This is default featured slide 1 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 2 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 3 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 4 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 5 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

Friday, October 31, 2014

NGƯỜI VIỆT TRẺ TỰ ĐỐT ĐUỐC MÀ ĐI

NGƯỜI VIỆT TRẺ TỰ ĐỐT ĐUỐC MÀ ĐI

Nhiều người trẻ đã vô tình đánh mất tài sản quý giá nhất của mình. Đó là tuổi trẻ. Những vật lộn và toan tính đời thường đã quật ngã họ. Ý niệm về một sức trẻ dũng mãnh, một tinh thần tự do bay bổng, giờ đây bỗng trở thành xa lạ. 

Thời gian gần đây, tôi cùng với nhiều người bạn có những trao đổi về tương lai của Việt Nam trong cơn gian khó: trong đất liền thì lạm phát cao, kinh tế khó khăn, sức sản xuất giảm, doanh nghiệp phá sản hàng loạt. Ngoài biển Đông thì Trung Quốc liên tục gây căng thẳng, gia tăng tranh chấp không chỉ với Việt Nam mà còn cả khu vực.

Nhìn xa hơn sang các nước Âu – Mỹ, tình hình cũng không sáng sủa hơn bao nhiêu. Châu Âu vẫn ngập trong khủng hoảng. Một số nước nếu chỉ năm ngoái thôi còn được coi là vững vàng, như Pháp chẳng hạn, thì sang năm nay, đã bị nhiều chuyên gia coi là một “quả bom hẹn giờ” mới.

Trước tình hình đó, nhiều người đã rất bi quan. Nhiều lúc chúng tôi có cảm giác, sự bi quan chán nản đã rút hết sinh khí của ngay cả những người được coi là từng trải và vững vàng nhất. Nhưng với riêng tôi, cảm thức bi quan chưa bao giờ là chủ đạo bởi thay vì nhìn mãi vào bức tranh màu xám, tôi nhìn vào những người Việt trẻ.

Tôi tin vào sức trẻ. Tôi tin đó là tài sản lớn nhất của dân tộc. Và tôi tin, chính tuổi trẻ chứ không phải các lý thuyết kinh tế xã hội kinh điển và nhiều tranh cãi, hay những lý tưởng khuôn sáo đã không còn sức sống, sẽ là cứu tinh của đất nước.

Tôi đi tìm tương lai của đất nước trên khuôn mặt những người Việt trẻ.

Có những ngày, tôi dành hàng giờ để quan sát những người trẻ tuổi, nghe họ nói, họ cười, họ đi lại, họ tranh cãi, họ thở dài… Ở hai đầu đất nước, và ở cả những nơi khác mỗi khi tôi có dịp. Tôi quan sát họ trong quán nước vỉa hè, trước cổng trường đại học, giữa đám tắc đường trên phố, trên mạng xã hội, trong các buổi nhóm họp tán gẫu…

Những quan sát này mách bảo tôi điều gì? Có phải người Việt trẻ không có lý tưởng? Có phải người Việt trẻ không có hoài bão lớn? Có phải người Việt trẻ không còn yêu nước? Có phải người Việt trẻ đang ngày càng vô cảm? Có phải người Việt trẻ đang ngày càng ích kỷ và thực dụng?

Tôi không phán xét. Tôi chỉ quan sát.

Không. Tôi không thấy như vậy. Tôi thấy họ đang sống. Họ đang sống theo cách của họ và giao tiếp bằng thứ ngôn ngữ của họ. Cách sống này, thứ ngôn ngữ này, có thể xa lạ với nhiều người có tuổi, nhưng không thể coi đó là không tốt, là đáng lo ngại.

Tôi chỉ có thể ghi nhận và tôn trọng họ.

Họ đang sống, đôi khi hết mình, đôi khi dật dờ, đôi khi chao đảo. Nhưng chắc chắn là họ đang sống. Mà tôi tin rằng, ở đâu có sự sống thì ở đó có sự phát triển.

Chính vì vậy mà tôi không bi quan.

Tôi cũng không quá hân hoan. Vì đằng sau những gương mặt trẻ trung kia, ẩn sau bộ tóc xanh đen kia, có thể là những trống rỗng, những đổ vỡ và hoang mang mà người ngoài không thể hiểu hết được. Những lo toan thường ngày có thể quật ngã họ bất cứ lúc nào. Giữa bộn bề của khó khăn chung, người trẻ và người nghèo bao giờ cũng bị ảnh hưởng lớn nhất vì thiếu vị thế và không được tôn trọng đúng mức.

Nhưng tôi lo lắng, đôi khi đến mức dằn vặt, thậm chí cáu bẳn vì cảm giác bất công và bất lực. Trong số những người Việt trẻ tôi gặp thì phần đông là sinh viên, tức thành phần ưu tú của đất nước, nhưng tôi không thấy một sự rực rỡ hiện lên trên khuôn mặt, trong ánh mắt, trong sự tự tin quả cảm. Tôi không thấy được sự lan tỏa của một tuổi trẻ tự do phóng khoáng, sự rực sáng của khát vọng.

Rất ít lửa trong những đôi mắt.

Rất nhiều lảng tránh xa xôi.

Rất dài những tiếng thở.

Rất thường xuyên cam chịu.

Và rất ít ngọn đuốc trên những con đường.

Tôi đã đi qua một rừng sinh viên trong ngày hội “Sáng tạo vì khát vọng Việt” ở TP HCM. Tôi đã nhìn sâu vào những gương mặt trẻ mà tôi gặp. Cảm giác đau nhói vì có quá nhiều khuôn mặt sạm đen, tuy chưa đến mức tiều tụy nhưng thiếu sắc khí. Tôi nhìn một người, rồi nhìn mọi người, cảm giác mặn chát vì thấy quá nhiều người trẻ gầy gò ốm yếu. Nhiều người còn còi cọc hơn cả thế hệ chúng tôi khi đất nước đang trong thời bao cấp khó khăn, còi cọc hơn cả thế hệ trước tôi khi đất nước đang trong chiến tranh. Tôi chợt nghĩ: suy dinh dưỡng?

Suy dinh dưỡng giữa thời bình! Tôi tự hỏi vì đâu? Tôi không tin đó là vì họ thức khuya học nhiều. Tôi cũng không tin đó là vì chủng tộc hay khí hậu vùng miền. Những sinh viên Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… mà tôi gặp đều học hành chăm chỉ dữ dội, chủng tộc và khí hậu cũng tương tự như mình, nhưng đôi má họ căng phính, giọng nói và ánh mắt đầy vẻ tự tin. Chiều cao cân nặng của họ cũng đều vượt xa những sinh viên tôi đang trò chuyện trong sân Dinh Thống Nhất này.

Tôi hỏi họ vì sao?

Tụi em khó khăn.

Khó khăn với cả chuyện ăn uống hàng ngày?

Vâng…

Tôi và họ không còn dám nhìn vào mặt nhau nữa. Không xa xôi nhưng ngăn cách bởi một chông chênh. Bảng lảng xa xôi. Nỗi đau riêng người ta chỉ có thể cảm hiểu chứ không thể xoáy mãi vào.

Tôi lắng nghe lòng mình. Có một cái gì rất vô lý ở đây. Có thể gọi đó là sự bỏ rơi chăng? Nhiều người đã bị bỏ rơi, tự bươn chải để tự đánh vật với những nhu cầu tối thiểu hàng ngày. Sự bươn chải này nhiều khi làm họ kiệt sức.

Ngoài hội trường, có bạn tìm mọi cách gặp tôi chỉ để hỏi một câu: Em muốn trở thành doanh nhân, vậy thì em phải quan tâm đến loại người nào nhất? Tôi thoáng sửng sốt trước câu hỏi đó. Dù không phải là doanh nhân, tôi cũng trả lời ngay lập tức: Doanh nhân thì cần quan tâm đến khách hàng nhất.

Trong hội trường, có bạn trẻ bật khóc vì không tìm được việc làm thêm. Có quá ít cơ hội dành cho người trẻ tuổi. Cảm giác bất lực và bị bỏ rơi hiện lên rất rõ. Rất nhiều bạn trẻ đã hoàn toàn đánh mất sự tự tin vào bản thân mình. Ý niệm về một đời sống trẻ tuổi sung mãn đầy hoài bão hoàn toàn vắng bóng.

Tôi chợt nhớ đến những buổi tranh luận với bạn bè quốc tế, khi tôi cho rằng không nên quá bi quan: Việt Nam là một đất nước trẻ. Tuổi trung bình của toàn dân chưa đến 30. Hãy nghĩ xem, trước 30 tuổi thì người ta làm gì? Người ta khám phá và hừng hực sức sống. Người ta sống. Và khi người ta sống thì người ta phát triển. Vì thế không nên quá bi quan.

Nhưng lúc này đây, giữa quảng trường này, lập luận của tôi dường như đã bị lung lay. Khi người ta trẻ và bị bỏ rơi, người ta mất hết tự tin thì không chắc người ta đã sống. Họ chỉ đơn giản là đang tồn tại. Khi người ta bị bỏ rơi và mất tự tin, không chắc người ta sẽ khám phá và hừng hực sức sống. Người ta cũng sẽ mệt mỏi, chán nản và tiều tụy như thường.

Người Việt trẻ nhưng không hẳn là trẻ. Tôi đã nhìn thấy sự mệt mỏi và chán nản trên gương mặt họ. Tôi đã nhìn thấy sự tiều tụy trong cơ thể họ. Tôi mong đợi một sức sống hừng hực, một tinh thần phóng khoáng bay bổng, một sự tò mò tươi mới, một bạo dạn dấn thân. Nhưng điều tôi thấy lại quá ít so với trông đợi.

Có một cái gì đó thiếu vắng ở đây. Có một cái gì đó như bị bóp nghẹt không thoát ra được. Một cảm giác như bất lực, như hờn trách, như dằn dỗi dâng trào.

Nhiều người trẻ đã vô tình đánh mất tài sản quý giá nhất của mình. Đó là tuổi trẻ. Những vật lộn và toan tính đời thường đã quật ngã họ. Ý niệm về một sức trẻ dũng mãnh, một tinh thần tự do bay bổng, giờ đây bỗng trở thành xa lạ.

Lỗi tại ai? Không hẳn là lỗi của những người trẻ tuổi. Nhưng chắc chắn là lỗi một phần của những người đi trước, của hệ thống, của xã hội, đã phần nào bỏ rơi họ.

Câu chuyện của người Việt trẻ chính là câu chuyện của đất nước. Vì tuổi trẻ không phải là một tương lai xa xôi, mà chính là hiện thực của đất nước này. Hiện thực ở đây và ngay lúc này đây. Gương mặt của người trẻ chính là gương mặt của đất nước. Khi tuổi trẻ bị bỏ rơi thì cũng chính là đất nước bị bỏ rơi. Khi tuổi trẻ bỗng nhiên trở nên già nua mệt mỏi thì cũng chính là đất nước đã trở nên già nua mệt mỏi.

Không gì đáng sợ hơn tuổi trẻ mỗi ngày mỗi trở nên tiều tụy. Không gì xót xa hơn khi nhìn thấy những người Việt trẻ ốm yếu còi cọc hơn so với bạn bè đồng lứa năm châu. Với sức vóc đó, với tinh thần đó, đòi hỏi họ phải gánh vác giang sơn, đưa đất nước đến bến phồn vinh là một đòi hỏi quá lớn và quá vô lý. Vì thế, những người đi trước, những người hữu trách trong hệ thống công quyền, cần thiết nhìn lại xem mình đã làm được gì cho người trẻ, trước khi đặt lên vai họ những gánh nặng quá lớn như vậy.

Đất nước cần vượt lên. Vì thế, với người Việt trẻ, một cuộc vượt lên chính mình là cần thiết. Khi còn mò mẫm trong sáng tối, khi còn chao đảo giữa muôn vàn xô đẩy của cuộc đời, thì không còn cách nào khác là phải tự đốt đuốc cho mình, phải tự mình vạch đường mà tiến bước.

Sức trẻ là tài sản quý giá nhất mà mỗi người đang nắm giữ. Vậy thì đừng bỏ phí nó.

Hãy sống.

Hãy sáng tạo.

Hãy bay bổng.

Hãy tò mò khám phá.

Hãy cất bước dấn thân.

Hãy tin vào bản thân mình.

Hãy vun đắp những khát vọng lớn.

Hãy xây dựng cho mình hình ảnh về một con người tự do và một công dân.

Vì không phải ai khác, mà chính người Việt trẻ mới là cứu tinh của đất nước.


Giáp Văn Dương

Học như thế nào


Ngày xưa để học được chữ thánh hiền, cái quan trọng nhất là cần có chí. Cái chí để đi bắt đom đóm bỏ vào lọ làm đèn mà đọc sách thâu đêm. Trong công việc học tập bây giờ, trong việc tiếp thu kiến thức khoa học của nhân loại tưởng như vô hạn, chỉ có chí thôi chắc là không đủ.

Ngôn ngữ và thái độ khoa học 

Nếu bản năng hướng thượng, hướng thiện là động cơ của học tập, nó không phải là công cụ. Con người biểu đạt sự hiểu biết về thế giới khách quan bằng lời. Con người thụ hưởng vốn hiểu biết mà nhân loại tích tụ được thông qua ngôn ngữ. Có hai thái độ ứng xử với ngôn ngữ đối lập nhau, dẫn đến hai phương pháp tư duy đối lập nhau: một bên là thái độ tôn giáo, coi ngôn từ như đối tượng để tôn thờ, một bên là thái độ khoa học, coi ngôn từ như một công cụ để định hình tư tưởng.

Định nghĩa chữ Đạo trong Đạo Đức Kinh là điển hình của thái độ tôn giáo đối với ngôn từ. Đạo được mô tả như thế này, như thế kia, Đạo không phải là thế này, không phải là thế kia, nhưng không một lần Đạo được định nghĩa là cái gì. Đạo là một từ đại diện cho một khái niệm linh thiêng không định nghĩa được, người ta chỉ có thể biết thuộc tính của nó là như thế này, như thế kia, cùng lắm là biết nó không phải là cái gì, tức là hạn chế khái niệm bằng phủ định, chứ không thể nói nó là cái gì, tức là định nghĩa khái niệm bằng khẳng định. Tính linh thiêng của chữ Đạo nằm chính ở chỗ ta không thể định hình được nó.

Tôi dẫn ví dụ Đạo Đức Kinh không với ý muốn đánh giá thấp giá trị triết học của tác phẩm này. Tôi chỉ muốn chỉ ra sự đối lập với giữa thái độ tôn giáo của nó đối với ngôn ngữ và thái độ khoa học. Thái độ tôn giáo với ngôn ngữ đưa đến những luận điểm bao quát, trong bất kỳ hoàn cảnh nào của cuộc sống, con người cũng có thể vận dụng chúng để diễn giải những gì xảy ra với mình, và tự an ủi mình. Mà trên đời này, ai là người không cần được an ủi.

Đóng góp lớn nhất của văn hoá Hy lạp cổ đại cho tư duy loài người có lẽ là sự phát minh ra tháe;c là hình tròn cả, chỉ có những hình tròn gần đúng mà thôi. Các định nghĩa của Euclid chỉ có giá trị giới hạn trong phạm vi của hình học. Theo một nghĩa nào đó, hình học là một sản phẩm thuần tuý của trí tuệ, là một trò chơi của tư duy. Giá trị lớn nhất của trò chơi này nằm ở ngay trong sự hạn chế của nó. Vì luật chơi bao gồm một số tiên đề, và một số phép suy luận được quy định trước, một phát biểu hình học chỉ có thể hoặc là đúng, hoặc là sai, một chứng minh chỉ có thể là đầy đủ chặt chẽ hoặc là thiếu sót ngộ nhận. Đây là cuộc chơi mà tư duy logic của con người được tha hồ thi thố. Cho đến bây giờ nó vẫn giữ nguyên ý nghĩa đó. Để cho trẻ học được phương pháp lập luận chặt chẽ, không có gì tốt hơn là học hình học Euclid.

Ưu điểm của trò chơi tư duy mà trong các luật chơi được cố định trước là trong phạm vi của cuộc chơi này, mọi cái đúng cái sai đều rõ ràng. Ưu điểm quan trọng khác là con người có thể rút ra kết luận rõ ràng chi tiết từ hệ thống tiên đề và khái niệm, để rồi đem nó ra kiểm chứng, đối chiếu với quan sát thực tế.

Ở điểm này, thiên hướng của khoa học khiêm tốn hơn nhiều so với thiên hướng của tôn giáo. Những luận điểm của tôn giáo thường có tính khái quát cao, nhưng không có tính chi tiết để có thể kiểm chứng đối chiếu được qua các quan sát thực tế. Trong mọi trường hợp tôn giáo yêu cầu người ta phải tin và phải chấp hành. Ngược lại, lý thuyết khoa học đưa ra những luận điểm đủ cụ thể để có thể kiểm chứng với thực tế và dành cho thực tế quyền phán xét cuối cùng. Sự khiêm tốn, luôn đặt mình vào vị trí để cho thực tế phán xét, hoặc khẳng định, hoặc phủ nhận, theo Karl Popper chính là thuộc tính đặc trưng của khoa học, đối lập với tín điều.

Sự khiêm tốn này cũng chính là cái làm nên sức sống của khoa học. Tôn giáo sẽ chết khi con người không còn đặt lòng tin vào tín điều nữa. Còn trong bản chất của mình, luận điểm khoa học chấp nhận sự phủ định, nó như chỉ chờ được thực tế phủ định để hồi sinh, lột xác thành một lý thuyết khoa học mới, phức tạp hơn, có phạm vi ứng dụng rộng hơn lý thuyết cũ.

Trong bản chất, mọi lý thuyết khoa học chỉ mô tả được một phạm vi nào đó của thế giới, lý thuyết càng thô sơ thì phạm vi áp dụng của nó càng hẹp. Đi ra ngoài phạm vi đó là bắt đầu một cuộc chơi mới, con người lại phải sáng tạo một hệ thống ngôn ngữ, khái niệm mới, tìm ra một luật chơi mới. Nhưng không phải vì thế mà lý thuyết cũ nhất thiết phải bị thủ tiêu khi một lý thuyết mới ra đời. Trong phạm vi cuộc sống hàng ngày, khi các vật thể chuyện động chậm hơn nhiều so với ánh sáng, cơ học Newton vẫn đúng.

Người đi tìm hiểu thế giới gần như bắt buộc phải đi lại gần như toàn bộ hành trình tìm hiểu thế giới của loài người. Đây là cái khó khăn rất lớn. Đã có một số quan điểm sai lầm trong giáo dục muốn bỏ qua những lý thuyết khoa học trước đây để đưa học sinh đến với những lý thuyết tiên tiến nhất. Ở phương tây những vào những năm 70 đã có trào lưu xây dựng lại toàn bộ giáo trình toán học dựa theo cách trình bày toán học hiện đại của nhóm Bourbaki. Kết quả của thí nghiệm đại trà này không tốt. Cảm nhận chung là trình độ toán học của học sinh tốt nghiệp phổ thông kém đi nhiều.

Gần đây, con lắc cực đoan có vẻ như bị văng theo hướng ngược lại. Người ta muốn lược đi khỏi chương trình tất cả những gì được coi là không cần thiết cho cuộc sống hàng ngày. Tôi vô cùng ngạc nhiên bởi ý kiến của một vị Giáo sư cho rằng học sinh không cần học vi phân, tích phân vì hàng ngày có ai cần dùng đến vi phân, tích phân đâu. Nhưng chính là nhờ vào thiên tài của Newton và Leibnitz, các hiện tượng tự nhiên được mô tả một cách tường minh dưới dạng phương trình vi phân. Loại bỏ đi đạo hàm tích phân có khác gì tự nguyện quay lại với tư duy mơ hồ của siêu hình trung cổ.

Vấn đề không phải đem những kiến thức khoa học tiên tiến nhất đến cho học sinh, vì có muốn cũng không làm được. Vấn đề cũng không phải là tập trung rèn luyện cho học sinh kỹ năng tính toán để phục vụ cho những nhu cầu hàng ngày. Cái cần làm trang bị cho học sinh phương pháp tư duy khoa học: định hình rõ nét khái niệm, liên hệ những khái niệm đó với thế giới khách quan, biết lập luận, biết tính toán để đưa ra những luận điểm cụ thể, kiểm chứng những luận điểm đó với thế giới khách quan.

Còn một thuộc tính khác của một khoa học có sức sống là khả năng đem đến sự bất ngờ. Hình học Euclid không còn khả năng đưa ra những khẳng định bất ngờ nào nữa và theo nghĩa này, nó là một môn khoa học chết. Nó chỉ còn là một trò chơi trí tuệ để học sinh rèn luyện khả năng tư duy logic. Nhận định của Einstein rằng tia sáng bị uốn cong khi đến gần các vật thể có khối lượng lớn nhờ vào những tính toán trong lý thuyết tương đối là một bất ngờ khi trong hình dung của chúng ta, đường thẳng là đường truyền của ánh sáng. Sức sống của một bộ môn khoa học thể hiện ở chỗ từ một hệ thống khái niệm, tiên đề chấp nhận được, bằng tính toán và lập luận, người ta có thể đưa ra những giải thích chưa biết cho những hiện tượng đã biết, hoặc là tiên đoán về những hiện tượng chưa được biết đến.

Khi khoa học “nhận nhiệm vụ” diễn giải, chứng minh cho một luận điểm cho trước, để phục vụ một mục đích chính trị hoặc tôn giáo, bất kể mục đích đó tốt hay xấu, về mặt thực chất khoa học đã mất đi cái làm nên sức sống của nó. Vấn đề “nhận nhiệm vụ” ảnh hưởng nhiều đến khoa học xã hội hơn là khoa học tự nhiên. Như một số người đã nhận xét, ở các nước xã hội chủ nghĩa cũ, các ngành khoa học tự nhiên có thể rất phát triển trong khi các ngành khoa học xã hội để lại rất ít dấu ấn vào văn minh nhân loại. GS Hà Huy Khoái có lần phát biểu nửa đùa nửa thật “Thực chất, ở Việt Nam chưa có khoa học xã hội”. Phát biểu của ông đã gây ra những phản ứng khá dữ dội. Nói một cách khách quan hơn, nó có đấy, nhưng nó yếm khí và thiếu sức sống.


Học như thế nào?

Ngày xưa để học được chữ thánh hiền, cái quan trọng nhất là cần có chí. Cái chí để đi bắt đom đóm bỏ vào lọ làm đèn mà đọc sách thâu đêm. Trong công việc học tập bây giờ, trong việc tiếp thu kiến thức khoa học của nhân loại tưởng như vô hạn, chỉ có chí thôi chắc là không đủ.

Như tôi vừa trình bày ở trên, khoa học không bị cái bệnh tự phụ coi những luận điểm của mình đúng một cách tuyệt đối, đúng một cách phổ quát. Mỗi lý thuyết khoa học được khai triển bằng tính toán, bằng lập luận từ một số nhỏ khái niệm, một số tiên đề cơ sở. Mỗi lý thuyết có logic nội tại của nó, nó không tự mâu thuẫn, nhưng những kết luận mà người ta rút ra từ nó chỉ khớp với thực tế khách quan trong một phạm vi nào đó. Theo một nghĩa nào đó, mỗi lý thuyết là một trò chơi trí tuệ, với luật chơi được xác định rõ ràng mà trong đó người chơi có thể triển khai khả năng tư duy của mình để đi đến những kết quả nhiều khi nằm ngoài sự mong đợi ban đầu.

Rất ít khi người ta chơi trò gì một mình. Để cho cuộc chơi thực sự cuốn hút, để cho người chơi có thể thực sự triển khai mọi tiềm năng tư duy của mình để đi đến những kết quả bất ngờ, đi đến sáng tạo, cuộc chơi phải có bạn chơi và phải có trọng tài. Để minh hoạ quan điểm này, tôi xin đưa ra một gợi ý nhỏ, nhưng rất nghiêm túc.

Nhờ vào internet, hiện tại người ta có thể tìm được miễn phí rất nhiều tài liệu học tập miễn phí ở trên mạng. Một số trường đại học có tên tuổi như MIT, Stanford còn tổ chức công bố miễn phí hầu hết các tư liệu học tập. Thay bằng việc phải bỏ ra 50 ngàn đô-la một năm để đến đó học, mà không phải cứ có 50 ngàn đô-la là đã được nhận vào học, bạn có thể truy cập miễn phí các tư liệu học tập, theo dõi các bài giảng video. Vậy có đúng là bạn cứ ngồi ở Hà nội, hay Sài gòn, là cũng có thể học như sinh viên ở MIT hay ở Stanford hay không.

Tôi nghĩ rằng trừ khi bạn có một ý chí sắt đá, dù có được cung cấp tất cả mọi tài liệu trên đời, dù dược theo dõi miễn phí các bài giảng, ở nhà một mình bạn vẫn không thể học được. Bởi vì ngồi theo dõi bài giảng trên mạng một mình không phải là một cuộc chơi thú vị: không có địch thủ, không có đồng đội, không có lộ trình, không thấy mục tiêu, không thấy giải thưởng. Đó là những thứ không liên quan trực tiếp đến nội dung khoa học của bài giảng nhưng đó là cái mà người đi học cần để phấn đấu liên tục. Học một mình, bạn có thể tập trung cao độ trong một hai ngày cho đến một tuần. Nhưng bạn cần có tập thể, có lớp học, có thầy giáo để duy trì nỗ lực học tập.

Gợi ý của tôi là tại sao các bạn không tự tổ chức cùng học theo giáo trình được cung cấp trên mạng. Tại sao không thể dùng trực tiếp bài giảng, tư liệu học tập cung cấp miễn phí trên mạng trong các lớp học chính khoá. Các thầy không nhất thiết phải giảng cả buổi nữa, mà có thể cho sinh viên xem bài giảng trên mạng, có thể làm trước phụ đề tiếng việt, sau đó dành thời gian để giải thích thêm, trả lời câu hỏi của sinh viên, và hướng dẫn làm bài tập. Và cuối cùng là tổ chức thi cử nghiêm túc. Tất nhiên gợi ý thì dễ, mà làm thì khó, nhưng tôi không tin là việc này không thể làm được. Kinh phí để tổ chức lớp học như thế có lẽ là không nhiều lắm, nếu so sánh với học phí 50 ngàn đô la một năm ở MIT hay Stanford.

Với gợi ý có tính suy tưởng này, tôi hy vọng làm nổi lên được sự quan trọng của việc tổ chức học tập. Học tập là một hoạt động tập thể và có tổ chức. Như đã nêu ở trên, thiếu một tập thể có tổ chức, con người nói chung không có khả năng duy trì nỗ lực của mình trong một thời gian dài. Thiếu tranh biện con người nhanh chóng lạc vào con đường chủ quan, con đường luôn dẫn đến cái đích là sự bế tắc. Bản tính con người là hiếu thắng, cái cần thiết để tạo ra sự sôi động trong tranh luận, những cũng là cái làm hỏng cuộc tranh luận, biến nó thành chiến trường để người này đè bẹp người kia. Vì vậy trong mọi cuộc chơi tập thể cần có một luật chơi lành mạnh để cho sự cạnh tranh chỉ tạo ra nỗ lực để mỗi người vượt lên chính mình, chứ không phải là cái cớ để thỏa mãn bản năng hiếu thắng. Và cuộc chơi cần một người trọng tài, nắm vững luật lệ và có thẩm quyền điều khiển cuộc chơi. Ngoài ra, chính những ràng buộc của luật chơi bắt người chơi phải vươn tới sự sáng tạo thực sự.

Tôi để ý thấy người ta phá bỏ luật chơi dễ dàng quá. Tôi xin dẫn một ví dụ nhỏ là việc viết thư giới thiệu. Viết thư giới thiệu là một công việc khá vất vả mà lại không thể mong đợi phần thưởng gì khác ngoài cảm giác hoàn thành bổn phận. Để giới thiệu cho một đồng nghiệp vào một vị trí phó giáo sư, hay giáo sư, thường thì người giới thiệu phải tìm hiểu kỹ công trình của người mình giới thiệu để chỉ ra chỗ nào hay, chỗ nào đặc sắc, chỗ nào thì cũng chỉ bình thường, và nêu ra ý nghĩa chung của công trình. Không viết được đầy đủ nội dung như vậy, thì lá thư giới thiệu không có mấy trọng lượng, mà người viết thư giới thiệu lại có thể bị đánh giá, hoặc là về sự nghiêm túc, hoặc là về trình độ. Viết thư là một việc rất vất vả, mà không có ai khen ông này ông kia viết thư giới thiệu rất hay, vì trên nguyên tắc thư giới thiệu được giữ bí mật. Tóm lại, viết thư giới thiệu là một việc vất vả, không có bổng lộc, nhưng lại cần phải làm để ủng hộ một người đồng nghiệp xứng đáng, hoặc chỉ đơn thuần là để thực hiện bổn phận của mình. Viết thư giới thiệu cho sinh viên cũng mất công, nhưng không vất vả như viết thư giới thiệu cho đồng nghiệp.

Có một lần, một sinh viên mà tôi đã từng dạy ở Hà nội nhờ tôi viết thư giới thiệu. Khi tôi còn đang do dự vì tôi đánh giá bạn ấy không thực sự xuất sắc, thì anh ta gửi cho tôi một bức thư giới thiệu soạn sẵn để tôi chỉ việc ký vào đó. Khi tôi tỏ ra vô cùng ngạc nhiên về cách làm này, thì bạn ấy trình bày là các thầy giáo khác yêu cầu bạn ấy làm như thế. Một số người có thể coi đây là việc nhỏ, nhưng tôi nghĩ chính từ những chuyện nhỏ như thế sẽ làm tha hoá cả hệ thống.

Khi chuẩn bị bài nói chuyện này, ý định của tôi là chia sẻ những suy nghĩ tản mạn của mình về việc học tập, chứ không định phê bình ai cả, càng không có ý định phê bình nền giáo dục ở nước ta. Đã có nhiều người chỉ ra rất nhiều bất cập, tôi không thấy cần thiết phải hoà thêm tiếng nói của mình vào đó. Nhưng nếu chỉ nêu ra một vấn đề, vấn đề lớn nhất, thì theo tôi đó là mức độ tha hóa của hệ thống.

Xin quay lại sự kiện Đồi ngô mà các bạn đều đã biết cả. Đây là một sự kiện vô cùng đặc biệt, vì chuyện thí sinh quay phim giám thị vi phạm qui chế thi là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nhân loại. Đây là một câu chuyện rất buồn, nó phải là tiếng chuông cảnh tình về mức độ tha hoá của hệ thống. Hãy khoan quy trách nhiệm cho một cơ quan, một cá nhân nào mà hãy bình tâm suy nghĩ. Để cho một việc như vậy xảy ra, phải có nhiều người từ trung ương đến địa phương, ở trong và ngoài ngành giáo dục, đã không tôn trọng luật chơi. Kết quả là kỳ thi tốt nghiệp, cái đáng ra phải là một thủ tục mang tính nghiêm cẩn, phải là một cái mốc thiêng liêng cho cả quá trình lao động học tập của học sinh, lại trở thành một trò đùa, một trò đùa làm chúng ta muốn khóc.

Nước Mỹ có thể tự hào về những trường đại học của mình. Các đại học ở Mỹ thường là tương đối trẻ, trường đại học Chicago nơi tôi làm việc cũng mới khoảng 100 tuổi, đồng niên với Đại học quốc gia Hà nội. Có lẽ cũng phải trả lời câu hỏi, cái gì là “bí quyết thành công” của họ. Vào thời điểm hiện tại thì ta có thể nói rằng lý do thành công của họ là họ rất giàu, có nhiều giáo sư giỏi, có cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại. Nhưng nói như thế là nhầm lẫn giữa kết quả và nguyên nhân. Ban đầu, họ không giàu, mà cũng không có nhiều người thực sự xuất sắc nếu so với cái trường đại học ở châu Âu vào cùng thời. Tuy không có một câu trả lời duy nhất, nhưng một nguyên nhân chắc chắn được nhắc đến là tinh thần fair-play, mọi hành vi ăn gian đều bị trừng trị một cách vô cùng nghiêm khắc.

Tôi cho rằng sự trung thực là một hành vi khó mà học được từ trong sách vở. Để trẻ học được tính trung thực, trước hết người lớn cũng phải học tính trung thực, để tự biết mà làm gương.

Tôi đã nói nhiều về sự cần thiết của việc tổ chức học tập, tính kỷ luật và tính trung thực. Nhưng bạn có thể thắc mắc rằng tại sao tôi nói về trường học mà cứ như là nói về doanh trại quân đội.

Tính kỷ luật và trung thực tất nhiên là không đủ. Cái còn thiếu chính là “niềm say mê” mà tôi nhắc đến lúc bắt đầu. Say mê đi tìm cái mới, cái chưa biết, tìm lời giải thích cho những gì còn chưa hiểu. Niềm say mê đi từ đâu đến? Thú thực là tôi không biết chắc chắn, và vì thế mà tôi giả sử rằng con người sinh ra với một bản năng hướng thượng, nói cách khác là đã có sẵn trong mình mầm mống của niềm ham mê. Tôi nghĩ rằng thực ra câu hỏi niềm ham mê sinh ra từ đâu không quan trọng bằng làm thế nào để gìn giữ niềm ham mê, và không để cho nó bị tha hoá. Niềm đam mê, tính hướng thượng hướng thiện là động cơ cho việc học tập, và chính việc học tập đích thực là cái nuôi dưỡng sự hướng thượng hướng thiện bởi những giá trị nhân văn chân thiện, chân mỹ, bởi tình yêu sự thật, và bởi niềm hạnh phúc của sự khám phá, để vượt qua biên giới giữa những gì đã biết và những gì chưa biết.

Một người bạn tôi có góp ý với tôi rằng bên cạnh niềm ham mê, đừng quên bổ sung sự quả cảm. Sự quả cảm là cái bạn cần để không để lười biếng, hèn nhát dụ dỗ mà quay lưng lại với sự thật. Sự quả cảm cũng là cái bạn rất cần khi đi tìm cái mới. Bạn có tập thể, có đồng đội để cùng học tập, tiến bộ. Nhưng dựa vào kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy rằng khi đã vượt qua biên giới của những gì đã biết để thực sự đuổi theo cái chưa biết, bạn rất cần tính quả cảm vì đi tìm cái mới thường là một hành trình cô đơn, và nó có thể kéo dài nhiều năm.

Theo Hocthenao.com

Web cổ điển đang chết dần

Web cổ điển đang chết dần và sự trỗi dậy của xu hướng mạng xã hội

Từ khi thế giới web cũ bắt đầu thoái trào, thì thế hệ web xã hội hoá mới đã mở rộng và đem tới cho người sử dụng những sự thay đổi giúp khoảng thời gian online trở nên hiệu quả, tiết kiệm thời gian và thú vị hơn.

Cứ mỗi tuần, một bản báo cáo về sự phát triển của thế giới internet lại được rất nhiều tờ báo điện tử cũng như blog thông tin trên mạng internet cập nhật. Xu hướng phát triển hiện tại có vẻ rất ấn tượng: Lưu lượng sử dụng dịch vụ chia sẻ video trực tuyến đang bùng nổ với tỉ lệ phát triển hơn 45% mỗi năm. Thời gian người sử dụng những thiết bị di động kết nối internet đã tăng 28% so với năm 2010, trong đó khoảng thời gian này của những người dùng smartphone đã tăng gấp đôi. Và có lẽ quan trọng nhất, 90% người sử dụng internet tại Mỹ sử dụng tài khoản mạng xã hội. Tính trung bình mỗi tháng một người bỏ ra 4 tiếng để “chu du” và kết bạn trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter hay LinkedIn.

Thế nhưng cả 3 xu hướng trên đều chẳng thể được coi là tin tức nóng hổi, khi những quỹ đầu tư mạo hiểm, những nhà phát triển web, hay thậm chí là những nhà marketing trong kỷ nguyên kỹ thuật số đều đang theo dõi chặt chẽ từng bước chuyển nhỏ của ba xu hướng này. Vậy chuyện gì đang xảy ra với phần còn lại của thế giới internet khổng lồ? Công bằng mà nói, thì thế giới web truyền thống đang thu nhỏ dần. Nếu bạn gỡ riêng cả 3 mảng hiện đang phát triển một cách chóng mặt ở trên để nhìn vào phần còn lại của thế giới internet, hẳn là bạn sẽ thấy một lỗ hổng rất, rất lớn. Khía cạnh mà đáng lẽ ra phải là mảng có sự phát triển nhanh và mạnh nhất, các trang web, lại đang “chết dần”.

Sau đây là một sự thật mà ít người biết đến từ tổ chức đánh giá trị trường mạng comScore: Nếu bạn tách riêng lưu lượng truy cập của Facebook và để sang 1 bên, thì tổng lưu lượng truy cập của phần còn lại của thế giới internet đã giảm đi 9% chỉ trong giai đoạn từ tháng 3/2010 đến tháng 3 năm nay. Và nếu bạn cộng gộp lại cả Facebook, thì tổng lưu lượng sử dụng mạng toàn cầu trên các thiết bị cố định (chủ yếu là máy tính cá nhân) vẫn giảm 3% cũng trong cùng khoảng thời gian này.

Tốc độ phát triển chóng mặt của mạng xã hội, và đặc biệt trong đó là Facebook, với 69% tổng thị phần, là không cần phải bàn cãi. Tuy nhiên vấn đề nảy sinh đó là Facebook cùng những mạng xã hội khác không hề đóng góp những bộ phận người dùng internet mới, mà đơn giản là họ lấy đi thị phần của những trang web còn lại.

Bỏ qua những mạng xã hội đang bùng nổ hiện nay, phần còn lại của thế giới internet đã có lúc được gọi là “tài liệu Web”, dựa trên cách những nhà phát triển tại Google cũng như nhiều công ty khác thiết kế trang web của họ theo kiểu những tập tài liệu đơn lẻ và kết nối chúng lại với nhau. Nhưng càng lúc, những trang web kiểu này càng nên được gọi là “Web có thể tìm kiếm”, dựa trên việc thông tin của những trang web này được kết nối với nhau chủ yếu dựa vào việc hiển thị những thông tin chung. Tuy nhiên, càng lúc hệ thống “web tìm kiếm” như thế này càng mất đi tính liên quan vốn có.

Trong năm vừa qua, thị phần người sử dụng Facebook tại Mỹ đã tăng với tốc độ từ 1 người sử dụng mới sau 13 phút, lên thành một người sử dụng mới chỉ sau có 8 phút! Tính chung lại, điều này có nghĩa là tổng thời gian mọi người truy cập những trang web “tài liệu” trong tháng 3 vừa qua đã giảm đi… 500 triệu giờ đồng hồ so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu xét về khía cạnh kinh tế, thì ngành quảng cáo đã chịu thiệt hại khoảng 2,2 tỉ USD trong năm vừa qua.

Tạo nên một hệ thống Web mới, kết nối hơn
Sự thay đổi trong xu hướng sử dụng web đã làm không ít người thức tỉnh. Và thứ thay đổi thế giới web đang lỗi thời hiện tại đó là một cuộc sống số hoàn toàn mới, và kết nối chặt chẽ với nhau. Có lẽ bạn đã nghe được khái niệm này ở đâu đó trước đây. Rốt cuộc, thì mục đích của web vẫn không thay đổi, đó là “kết nối” những trang thông in với nhau bằng những đường link. Tuy nhiên bây giờ, “kết nối” sẽ mang ý nghĩa rộng hơn rất nhiều. Cụ thể hơn, web có thể kết nối mọi người lại với nhau, và kết nối này không chỉ dừng ở mức độ giữa 2 người, mà nó sẽ còn kết nối tất cả lại.

Và đây là ví dụ cho việc bạn sẽ kết nối trực tiếp với những người khác, thay vì kết nối với những trang web như thế nào: Web biết bạn là ai (thông tin cá nhân), nó đi cùng bạn mọi lúc mọi nơi (các thiết bị kết nối di động), phân loại những mối quan hệ của bạn (xã hội hoá), và đem lại nhiều thứ hơn thế nữa.

Nói tóm lại, hệ thống web xã hội hoá, kết nối chặt chẽ với nhau như vậy hết sức năng động và mang tính cá nhân nhiều hơn, trong khi web tài liệu chỉ chứa đựng những thông tin chung chứ không có tính xã hội hoá.

Web xã hội đối đầu với thế giới web cũ

Những lý do dẫn đến sự thay đổi của thế giới web trong thời điểm hiện tại hẳn là không chỉ gồm sự thâm nhập thị trường của smartphone, tốc độ truy cập mạng tăng cũng như tiên bộ của công nghệ.

Nhiều người đã tìm ra lý do chủ yếu dẫn đến sự thay đổi cơ bản trong cách con người sử dụng internet: Đó chính là yếu tố con người. Con người, hay cụ thể hơn là người sử dụng internet đang tự thay đổi thói quen truy cập mạng toàn cầu của mình, cũng như thay đổi cách internet ảnh hưởng tới cuộc sống của chính chúng ta.

Và như một điều tất yếu, thế giới web cũ đang trên đà tụt dốc, thay vào đó là chàng tân binh “web xã hội” mới và đầy sức sống. Cũng không cần phải nhấn mạnh những tác động của mục tiêu xã hội hoá tới những nhà phát triển web.

Trong vòng 1 thập kỷ vừa qua, những gì chúng ta thấy là sự trỗi dậy của gã khổng lồ mang tên Google và những dịch vụ đa phương tiện trên mạng internet (ảnh, nhạc, video, v.v…). Theo đó, những nhà phát triển web cố gắng tạo ra càng nhiều nội dung số với những từ khoá liên quan, sau đó gán chúng vào một công cụ tìm kiếm nhất định và mở rộng phạm vi hoạt động để dịch vụ của họ đến được với nhiều người sử dụng hơn. Thế nhưng mọi chuyện đang thay đổi theo chiều hướng hoàn toàn khác, với tốc độ rất nhanh.


Sự kết nối giữa con người với nhau

Những sự thay đổi chóng mặt đang diễn ra ở thế giới internet, cũng là những thứ được đề cập ở trên đây hoàn toàn không chỉ là sự thay đổi của những hệ thống máy móc. Nó còn thay đổi cả những mối quan hệ giữa con người với con người.

Giám đốc sản phẩm của Forbes, Lewis D’Vorkin đã nói về điều này khi ông cùng Alex Knapp nói về truyền thông “sống” và những mối quan hệ chung mới được tạo ra giữa tác giả và độc giả trên môi trường web mới. Đó là bước chuyển dịch từ những nội dung xuất bản cố định thành cuộc sống kỷ nguyên kỹ thuật số, nơi mọi người có thể tương tác và trao đổi với nhau dễ dàng hơn bao giờ hết.


Hướng tới một tương lai kết nối toàn diện

Một điều không thể phủ nhận đó là chúng ta vẫn còn đang ở trong giai đoạn đầu tiên của bước chuyển thế giới web. Thậm chí có thể những trang web được cho là “ăn khách” như Huffington Post, Wetpaint, cũng như tổng lưu lượng truy cập của Facebook, Twitter, YouTube và nhiều trang web khác sẽ chỉ chiếm một nửa lưu lượng truy cập toàn cầu trong tương lai.

Tuy nhiên, để bước chuyển này diễn ra suôn sẻ, yếu tố tài chính cũng như con người là vô cùng quan trọng. Từ khi thế giới web cũ bắt đầu thoái trào, thì thế hệ web xã hội hoá mới đã mở rộng và đem tới cho người sử dụng những sự thay đổi giúp khoảng thời gian online trở nên hiệu quả, tiết kiệm thời gian và thú vị hơn.

Thursday, October 30, 2014

BÉ GÁI VIỆT NAM 17 TUỔI TẠI ÚC ĐÃ SÁNG CHẾ RA NĂNG LƯỢNG ĐIỆN VÀ NƯỚC LỌC DI ĐỘNG.

BÉ GÁI VIỆT NAM 17 TUỔI TẠI ÚC ĐÃ SÁNG CHẾ RA NĂNG LƯỢNG ĐIỆN VÀ NƯỚC LỌC DI ĐỘNG.

Em Cynthia Sin Nga Lâm, 17 tuổi từ Australia, đã phát minh ra máy phát điện. Phát minh của cô là một hệ thống lọc nước mà không đòi hỏi một nguồn điện nào bên ngoài, nhưng thực sự nó tự tạo ra điện của riêng nó.
Thiết bị mà cô bé gọi là một Photocatalytic, hệ thống điện di động và nước sạch, hoặc gọi ngắn là H2Pro. Hệ thống nầy sản xuất cả năng lượng sạch và nước ngọt cùng một lúc.
Cô hy vọng rằng một ngày phát minh của mình có thể được sử dụng để đưa nước và điện cho người dân ở các vùng nghèo khó từ xa hiện đang phải vật lộn để truy cập đến các tiện nghi cơ bản.
Theo :http://www.trueactivist.com/teenager-invents-water-purifier-that-creates-electricity-with-no-external-power-source

Wednesday, October 29, 2014

600W PureSine Inverter

600W PureSine Inverter

Lang thang trên web thấy mấy bác China mới có con IC TDS2285, chế tạo với mục đích làm xương sống cho các Inverter puresine, chả biết nó thế nào. Có phải dòng vi xử lý, có phải nạp code gì cho nó không? Chả thấy các bác ấy đả động gì đến code, hay nó "cứng" hoàn toàn.

Các bác bên đó làm ầm ầm, đua nhau làm Inverter với đủ công suất bằng con TDS2285 này. Cấu trúc mạch đều là DC-DC ra 310V rồi qua cầu H được điều khiển bằng TDS2285 băm thành sine. Mạch có vòng lặp hồi tiếp để đảm bảo sine ra chuẩn, có các chế độ bảo vệ đầy đủ ngay trên TDS2285.

Cái trang này hướng dẫn rất chi tiết, có cả mạch nguyên lý, mạch in, vẽ trên protel. Thấy mà ham quá, khổ nỗi rặt tiếng tàu, dịch bằng google thì đọc như chuyện cười. Vì thấy ngon nên đặt hàng đã có bác nhận lời lấy hộ cho được 3 con TDS2285.

Em post lên đây với mong muốn những người quan tâm, yêu thích chế tạo sinewave Inverter, cùng nghiên cứu, học hỏi chế tạo thành công con PureSine Inverter này. Cùng tìm kiếm, chia sẻ linh kiện. Để người người làm Inverter, nhà nhà có Inverter. Click here to enlarge

Click here to enlarge

Click here to enlarge

Click here to enlarge

Click here to enlarge

Click here to enlarge


Mạch in và mạch nguyên lý vẽ trên Protel99.


Mạch nguyên lý tổng thể chạy với TL494:

Click here to enlarge

Nguồn: http://bbs.dianyuan.com/topic/574783

Bill Gates "có lỗi vì có nhiều tiền"?


Bill Gates "có lỗi vì có nhiều tiền"?

Bill Gates là người giàu nhất thế giới trong hơn hai thập kỷ qua và ông đang ngày càng giàu hơn. Trong một cuộc phỏng vấn, ông tiết lộ rằng mọi người nói ông nên cảm thấy xấu hổ, có lỗi vì “giàu như thế”.
Tuy nhiên, ông cũng trả lời rằng, nếu ông có cảm thấy có lỗi thì đó không phải là có lỗi vì khoản tiền ông có được mà là có lỗi về khoản tiền mà ông đã chi tiêu.
Bill Gates, người giàu trên thế giới
Bill Gates
Bill Gates kể rằng, khi mọi người nói “Bill Gates, ông nên cảm thấy có lỗi vì có nhiều tiền đến thế”, ông đã trả lời: “ồ, không phải là có lỗi vì tôi có nhiều tiền, mà tôi cho rằng cảm giác có lỗi (về một cái gì đó) thì đó chính là về cách tiêu tiền của tôi”.
Tuy nhiên, ông có vẻ không phải cảm thấy có lỗi về “cách tiêu tiền” của ông. Gates đã dành tặng hàng tỷ USD cho công việc từ thiện, cống hiến 38 tỷ USD cho tổ chức từ thiện của ông và khuyến khích các tỷ phú khác cùng cống hiến hầu hết số tiền họ có cho từ thiện, qua chương trình The Giving Pledge.
Nhưng đối với Bill Gates, dành tiền để làm từ thiện không phải là tất cả. Ông đã đóng góp tâm trí, suy nghĩ vào nhiệm vụ giải quyết một số khó khăn lớn nhất của thế giới như đói nghèo, tỷ lệ tử vong sớm ở trẻ em, nước sạch và nâng cao nền giáo dục.
Gates nghĩ trong khoảng 20 năm nữa, sẽ không còn các quốc gia thuộc thế giới thứ ba. Trong một bức thư gửi cho tổ chức từ thiện của mình, ông đã viết: “Tôi rất lạc quan về những gì tôi suy đoán. Đến năm 2035, sẽ hầu như không còn những quốc gia nghèo trên thế giới, theo định nghĩa về nghèo hiện nay của chúng ta. Và hầu hết các quốc gia sẽ trở thành những nước có mức thu nhập trung bình thấp hoặc giàu hơn”.
Theo ICTnews/Business Insider

Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế-xã hội

Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế-xã hội


Trước đó, trong ngày khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ 2015.
Báo cáo khẳng định, trong bối cảnh có nhiều khó khăn thách thức của năm 2014, mặc dù vẫn còn không ít hạn chế yếu kém nhưng hầu hết các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đã đạt được những kết quả tích cực; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; chủ quyền quốc gia được bảo đảm; chính trị-xã hội ổn định; vị thế quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng lên.
Các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội mà Quốc hội đã đề ra cơ bản đạt được. Trong 14 chỉ tiêu kế hoạch năm 2014, dự báo có 13 chỉ tiêu đạt, vượt và 1 chỉ tiêu không đạt. Đây là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Bước sang năm 2015, Chính phủ đặt mục tiêu: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,2%; tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 5%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 5%; tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP 5%; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 15%; số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 23,5 giường.
Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 90%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 82%; tỷ lệ che phủ rừng 42%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 85%; tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch 82%; tỷ lệ đô thị loại 3 trở lên có hệ thống thu gom và xử lý nước thải 16%; tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom 85%.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Chính phủ xác định 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là: Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ; phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên  tai và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; tăng cường quốc phòng an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông.
Chính phủ nhận định, năm 2015, bên cạnh những kết quả và chuyển biến tích cực, đất nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị đoàn kết nhất trí, quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch năm 2015. Chính phủ mong nhận được sự ủng hộ, giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân và đồng chí, đồng bào.
Bình Nguyên